Nhà thơ Hàn mặc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí) sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại tỉnh Quảng Bình, nhưng lại thành danh tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu phê bình văn học và đông đảo bạn đọc yêu thơ suốt mấy chục năm qua – thì Nhà thơ Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất thế kỷ hai mươi.

Năm nay kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử, Hội nhà văn Việt Nam đã cử một Đoàn do nhà văn Nguyễn Trí Huân, phó chủ tịch Hội nhà văn, dẫn đầu từ Hà Nội bay vào Quy Nhơn, để phối hợp với tỉnh Bình Định – tổ chức Hội thảo Thơ Hàn Mặc Tử, từ ngày 20 đến 22 tháng 9. Đoàn Hội nhà văn gồm có các thành viên: Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phó chủ tịch Hội nhà văn), Nhà văn Đỗ Hàn, Nhà thơ Văn Công Hùng, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, Nhà thơ Ngô Thế Oanh, Nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân, Gs.Ts. Nguyễn Đăng Điệp, Ts. Chu Văn Sơn…

Lượng khách mời chủ yếu là các nhà văn nhà thơ Hội viên Hội nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bao gồm các tỉnh thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đăk Lăk, Gia Lai và Kom Tum. Từ mùng 10 tháng 9 các đại biểu đã nhận được giấy mời tham dự hội thảo của Ban tổ chức, mà ngày tiến hành Hội thảo là 21 tháng 9. Điều đó cho thấy sự chu đáo của việc tổ chức hội thảo mang tầm quốc gia kỳ này.
Kể từ 14 giờ chiều ngày 20 tháng 9 năm 2012 Khách sạn sang trọng Hải Âu nằm bên bờ biển đẹp Quy Nhơn tíu tít đón các nhà thơ nhà văn khắp nơi tới dự Hội thảo Thơ Hàn Mặc Tử.
Đêm đầu tiên (20/9) là chương trình công diễn thơ và nhạc phổ thơ Hàn Mặc Tử, do các nghệ sĩ của tỉnh Bình Định thể hiện. Giữa buổi diễn, có toạ đàm bàn tròn về thơ Hàn Mặc Mặc Tử với thời lượng 45 phút. Các nhà thơ được mời lên sân khấu toạ đàm gồm có: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nhà thơ Thanh Thảo, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha. Người điều hành toạ đàm bàn tròn trên sân khấu là Nhà thơ Văn Công Hùng (Uỷ viên Ban chấp hành, phụ trách Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên). Mỗi nhà thơ đã nêu lên những cảm nhận và kỷ niệm riêng của mình trong cuộc đời cũng như con đường sáng tác thơ ca gắn liền với hồn thơ Hàn Mặc Tử. Tất cả đều khẳng định thơ Hàn Mặc Tử sẽ sống mãi với mọi tấm lòng yêu thơ chân chính hôm nay và mai sau.
Sau buổi biểu diễn tất cả các nghệ sĩ cùng các nhà văn nhà thơ (là khán giả) đều chung vui bữa liên hoan nhẹ, rồi chia tay và hẹn gặp sớm mai (21/9) sẽ lên viếng mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân ở Khu Du lịch Ghềnh Ráng.
Bây giờ là tháng chín mùa thu, ở ngoài bắc chắc là chớm heo may rồi và lòng người biết bao xao động khi cái se lạnh của mùa thu đi biệt tăm hẳn những 365 ngày, rồi mới lại trở về e ấp như một nàng thiếu nữ tuổi dậy thì chớm bước vào tuổi yêu đương. Song ở dải đất Nam Trung Bộ này, vào độ giữa tháng 9 mà sao cứ nắng chói chang, bỏng rát. Song cũng may sớm ngày 21 tháng 9, trời khá dịu (chắc là do có một cơn mưa nhỏ tráng qua thành phố Quy Nhơn lúc đêm qua) – nên các nhà thơ nhà văn lên viếng mộ hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân cũng đỡ nóng phần nào. Đúng vào lúc tám giờ sáng Lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam cùng Lãnh đạo tỉnh Bình Định và các nhà thơ nhà văn tổ chức lễ dâng hương Nhà thơ Hàn Mặc Tử ngay trước mộ của Người. Nghi lễ thật trang trọng và thiêng liêng.
.

/

.
Sau khi thắp hương xong vào lúc 8 giờ 30 phút, thì nắng cũng bắt đầu tăng tốc độ nóng của mình thả xuống khắp cả triền đồi. Mọi người đi về gần vãn, nhưng tôi để ý thấy một nhà nhà thơ đứng tuổi cứ nấn ná mãi bên mộ Hàn Thi sĩ. Tò mò, tôi vội bấm một pô ảnh để làm kỷ niệm. À, hoá ra là nhà thơ Đông Trình, cùng quê Quảng Bình với Hàn Mặc Tử. Thảo nào… Tình quê hương bản quán bao giờ cũng hết sức thiêng liêng và khó lý giải vô cùng. Nhịp sóng của tâm hồn hai nhà thơ, dẫu không cùng thế hệ, nhưng hẳn đều đồng điệu bởi một nỗi niềm thẳm sâu mơ hồ mà hiển hiện – đó là tình cố hương nồng nàn yêu dấu đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người… Thảo nào, buổi chiều hôm ấy (ngày 21/9) gần cuối buổi Hội thảo, vào lúc 16 giờ 10 phút, mà nhà thơ Đông Trình còn giơ tay xin phát biểu ý kiến. Ông xin phép ngồi nói (vì lý do sức khoẻ). Và do xúc cảm mãnh liệt khi nói về sự đồng điệu thần diệu của lòng mình với nhà thơ lớn cùng quê, nên Đông Trình không nén nổi những giọt nước mắt lăn tròn trên má – làm cho mọi người cả hội trường cũng rưng rưng…
Sau khi viếng mộ xong, thì tiến hành Hội thảo ngay buổi sáng và chiều 21/9. Trong hai buổi Hội thảo Thơ Hàn Mặc Tử, các đại biểu đã được nghe các bản tham luận sau đây:
1, Dấu ấn Hàn Mặc Tử (Lại Nguyên Ân)
2, Hàn Mặc Tử và mỹ học của khát vọng (Nguyễn Đăng Điệp)
3, Thế giới biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử từ đạo nguồn đến nghệ thuật (Hồ Thế Hà)
4, Cảm hứng thần tiên trong thơ Hàn Mặc Tử (Nguyễn Thuỵ Kha)
5, Nghĩ lại về Hàn Mặc Tử (Ngô Thế Oanh)
6, Hàn Mặc Tử trong trường thơ loạn (Phạm Phú Uyên Châu – Phạm Phú Phong)
7, Hàn Mặc Tử – Tiếng kêu vang trong im lặng (Lê Hồ Quang)
8, Tư duy tượng trưng trong đau thương của Hàn mặc Tử (Hồ Văn Quốc)
9, Hàn Mặc Tử – Thi sĩ thiên tài của “Loài thi sĩ”
10, Karma – Trăng 12 (Thanh Thảo)
11, Thương nhớ Hàn mặc Tử (Lý Toàn Thắng)
12, Hàn Mặc Tử – Một hiện tượng độc đáo của thi ca Việt Nam đương đại (Nguyễn Thị Bích Thu)
13, Gái quê và những tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Hàn Mặc Tử.
Trong quá trình Hội thảo, để bớt căng thẳng cho người nghe, và để thay đổi không khí, ban tổ chức đã mời các nhà thơ đọc thơ mình liên quan đến Hàn Mặc Tử. Buổi sáng Nhà thơ Triệu Lam Châu đọc hai bài thơ của mình: Lời chào mừng của nhà thơ Nga Êxênhin, Lời phân trần của nhà du hành vũ trụ Nga Gagarin. Buổi chiều hai Nhà thơ Tạ Văn Sỹ và Nhà thơ Lệ Thu đọc thơ nói về lòng ngưỡng mộ của mình đối với Hàn mặc Tử…
Buổi tối ngày 21 tháng 9 vào lúc 19 giờ Đại diện Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam đã họp với Ban liên lạc nhà văn các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại cuộc họp này nhà văn Nguyễn Trí Huân, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã trao quyết định kết nạp và huy hiệu cho hai nhà thơ trẻ mới gia nhập Hội kỳ này là: Đinh Thị Như Thuý và Mai Thìn.
Rồi lúc 20 giờ ngày 21 tháng 9 các nhà văn nhà thơ lại tham gia giao lưu với sinh viên Khoa văn Trường đại học Quy Nhơn thật là sôi nổi và đầy ấn tượng tốt đẹp.
Và giờ đây ngày 23 tháng 9 các nhà văn nhà thơ đã trở lại địa bàn cư trú cũ và cuộc sống thường nhật của mình. Song trong lòng mỗi người vẫn còn dư âm của cuộc Hội thảo hoành tráng về Thơ Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn – một thành phố biển đẹp thanh bình. Rồi tinh thần của hồn thơ Hàn Mặc Tử, như ánh trăng huyền ảo sẽ lẹ làng đậu vào mỗi áng thơ đang thai nghén của mỗi nhà thơ nay mai…
Tuy Hoà, chiều 23 tháng 9 năm 2012
TRIỆU LAM CHÂU
.

/

.