Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thành công với
mô hình tuyên truyền, giáo dục, quản lý học sinh

Tác giả: Trần Thị Lệ Thủy- Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Tháng 8/1998, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thành lập, trường được tách từ Trường THPT Lê Hồng Phong, đóng trên địa bàn Xã Hòa Bình 2, Huyện Tuy Hòa, bây giờ là Thị Trấn Phú Thứ, Huyện Tây Hòa. Lúc đó trường với loại hình là trường bán công, Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngày thành lập, trường chỉ có 4 phòng học và 14 CB,GV,NV. Sau 17 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay nhà trường đã từng bước được hoàn thiện và đã có những thành tích nhất định trên tất cả các hoạt động. Đội ngũ CB,GV,NV tăng dần về số lượng và chất lượng; chất lượng giáo dục ngày càng được khẳng định; tỉ lệ HS 12 thi đỗ tốt nghiệp và đỗ vào các trường Cao đẳng, Đại học ngày càng tăng; Các hoạt động ngoại khóa, phong trào văn nghệ, thể thao phát triển mạnh. Đặc biệt công tác ANTT trường học ngày càng được giữ vững và ổn định; tình trạng học sinh vi phạm nội quy nhà trường, gây gổ, đánh nhau giảm rõ rệt. Nhà trường nhiều năm liền được công nhận Đơn vị an toàn về ANTT, được UBND Tỉnh tặng Bằng khen và trong năm học 2014 -2015, trường nhận được Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc khối trường học.

Có được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ kịp thời của các cấp lãnh đạo; Sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của các ban, ngành; của chính quyền địa phương; của Hội phụ huynh học sinh và đặc biệt là nhờ sự đồng thuận của toàn thể CB,GV,NV và học sinh trong nhà trường.Toàn thể CBGV,NV và HS xác định công tác bảo vệ ANTT trường học là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường; là nhiệm vụ chung của tất cả mọi thành viên trong đơn vị. Tất cả cùng nghiên cứu tìm ra những mô hình, những giải pháp và cùng triển khai thực hiện trong thực tiễn. Xin được chia sẻ, trao đổi một vài mô hình sau.

Trước nhất đó là mô hình tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, pháp luật cho học sinh thông qua chương trình ngoại khóa “Chúng tôi nói về chúng tôi” lồng ghép trong tiết chào cờ đầu tuần. Tiết chào cờ đầu tuần ngoài phần đánh giá và triển khai công tác tuần còn có một nội dung sinh động, quan trọng nữa đó là chương trình sinh hoạt “Chúng tôi nói về chúng tôi” do học sinh thực hiện.Với các chủ đề: tuyên truyền luật An toàn giao thông, luật phòng, chống Ma túy; giáo dục, tuyên truyền về ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày sinh nhật Đoàn 26/3…Mỗi chương trình do 1 lớp thực hiện, 29 lớp thực hiện 29 chương trình. Kịch bản của chương trình do BGH, Đoàn trường, GVCN và HS cùng xây dựng. Một kịch bản của chương trình có 4 phần, VD: Là chương trình về ATGT thì phần 1 là bản tin về tình hình ATGT trong nước và địa phương; phần 2 – phần tuyên truyền luật ATGT; phần 3 là Tiểu phẩm về ATGT và phần 4 là câu hỏi đố vui có thưởng. Chen vào giữa là những bài hát, múa về Đoàn, Đảng. Có thể nói chương trình ngoại khóa “Chúng tôi nói về chúng tôi” lồng ghép trong tiết chào cờ đầu tuần là một kênh tuyên truyền hiệu quả, sinh động, bản thân học sinh cũng tham gia tuyên truyền. Người tuyên truyền là học sinh và đối tượng tiếp thu cũng chính các em. Những tiết chào cờ có chương trình “Chúng tôi nói về chúng tôi” sinh động hơn, tiết chào cờ cũng “mềm hóa” hơn. Đây là mô hình giáo dục mà chúng tôi đã thực hiện trong những năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm tới.

Cùng với hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua chương trình “Chúng tôi nói về chúng tôi”, nhà trường còn tổ chức ngoại khóa để giáo dục tư tưởng, đạo đức, pháp luật cho học sinh lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề hàng tháng như tổ chức các buổi ngoại khóa chủ đề Biển đảo, giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền; tổ chức; ngoại khóa thi tìm hiểu Luật phòng, chống tham nhũng; thi tuyên truyền về Luật ATG; Tuyên truyền thông qua việc tổ chức các cuộc thi và hưởng ưng tích cực các cuộc thi do các cấp tổ chức. Như tham gia viết bài dự thi tìm hiểu ma túy và HIV – AIDS do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tham gia Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và lực lượng đoàn viên, thanh niên do UBND huyện Tây Hòa tổ chức. Có thể nói những hình thức tuyên truyền sinh động trên vừa góp phần gìn giữ ANTT trường học, vừa góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, pháp luật cho học sinh, hướng tới giáo dục toàn diện nhân cách các em. Sức học các em yếu, dễ chán nản nghỉ học giữa chừng. Bỡi vậy, phải tạo một môi trường thật thân thiện, giảm bớt những áp lực căng thẳng khi các em ở trường. Cố gắng để mỗi ngày em đến trường là một niềm vui. Giáo dục thông qua các hình thức ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ. Trong ngoại khóa có giáo dục, nhẹ nhàng mà hiệu quả, mà sinh động, thân thiện.

.