/

Tuổi cao, sự sống báo hiệu rung rinh từ 5 năm trước, rồi hôm qua (31.3.2013), lúc 14 giờ, nhà văn Võ Hồng  đã trút hơi thở cuối cùng giữa cô đơn, quạnh quẽ.

Gần xế chiều, nhận tin báo, tôi đến thăm ông lần chót, vẫn kịp ngắm tác giả “Hoài cố nhân” ngủ ngon trong chiếc võng thời gian. Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng!

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5.5.1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Năm 1939, truyện ngắn đầu tay “Mùa gặt” đã được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy với bút hiệu Ngân Sơn, nhưng mãi đến năm 1959 ông mới gia nhập làng văn với tác phẩm “Hoài cố nhân”. Sau 1975, nhà văn Võ Hồng giới hạn sinh hoạt văn nghệ của mình nơi địa phương Khánh Hòa, trong đề tài giáo dục và tuổi thơ. Năm 1977, ông gia nhập Hội Nhà văn VN. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký và 10 tập truyện, thơ viết cho thiếu nhi cùng 40 bài viết, khảo cứu, phê bình…

Cô Đạm – học trò cũ và là “người thương” luôn bên cạnh thầy giáo, nhà văn Võ Hồng trong suốt thời gian ông lâm bệnh – kể: “Từ lâu, thầy đã không thể tự chăm sóc bản thân, nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Buổi trưa sau khi dùng bữa, thầy nói mệt, muốn được ngủ yên. Và ngủ luôn! Các con của thầy đều ở nước ngoài, đang trên đường về. Chỉ có bạn đọc và bạn văn lui tới…”.

Còn nhớ, lúc sinh thời, nhà văn Võ Hồng tự nhận mình là người nông dân, âm thầm “gieo chữ” trên cánh đồng nhân ái. Mọi người mến yêu, trân trọng ông, bởi có thể tìm thấy trên từng trang văn tấm lòng nhân hậu của một con người bình dị, chân thành với cuộc sống đầy trải nghiệm. Viết về quá khứ hay hiện tại, viết cho người lớn hay trẻ em, dù thể loại nào, nhà văn Võ Hồng đều gửi đến người đọc thông điệp, rằng: “Trong hoàn cảnh mất mát, khổ đau đến đâu, con người chúng ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Miễn là chúng ta cảm thông, tôn trọng, yêu thương nhau và vì nhau trong cuộc đời”. Bởi vậy, khi đọc “Hoài cố nhân”, “Lá vẫn xanh”, “Vết hằn năm tháng”, “Trong vùng rêu im lặng”, “Lời sám hối của cha” hay “Bông hồng dâng cha”…, dẫu gặp cái buồn phảng phất hay sâu cay, tâm trạng người đọc không chùng xuống, không mất mát mà dường như bình tĩnh, thanh thản hơn. 

15 năm trước, lần đầu tiên gặp Võ Hồng, nhà văn nói với tôi : “Sự sống vốn dễ rung rinh, chẳng chóng thì chày rồi cũng tới một ngày, thậm chí trong thoáng chốc, ta chỉ còn nhìn thấy người thân trong trí nhớ”. Bây giờ, vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng, tôi có cảm giác, từ lâu, chiếc võng thời gian vẫn kẽo kẹt giữa quạnh quẽ, cô đơn!